Thursday, March 29, 2012

Con Thúy - Chương 22

Khúc đê từ cầu Bo xuống cống Đậu đã biến thành con đường mòn. Mặt đê cao hơn mặt đường gần hai thước. Năm xưa, Vũ và bạn bè thường đi xe đạp thi trên khúc đê này. Đi thật nhanh mà chẳng đứa nào ngã. Xe đạp của bọn Vũ không chuông, không phanh, không đèn. Phóng xe ở khúc đê hẹp và cao y hệt người làm xiếc đi trên dây. Nên chỉ những thằng cừ mới dám đùa giỡn. Gặp quãng đê soải xuống sông, Vũ và Vọng còn biểu diễn "bông nhông" cả người lẫn xe. Bây giờ, Vũ không thích trò chơi nguy hiểm này. Và Vũ đâm ra sợ hãi. Vũ đã đứng ở cầu Bo nhìn những con sóng lớn xô đẩy nhau những hôm gió lộng. Sóng sông Trà, ma sông Hộ. Vũ giật mình hồi tưởng ngày nào – ngày nào mới đây mà tưởng chừng xa lơ xa lắc – đảo chính, cách mạng, thù hận đẩy tuổi thơ lui hẳn về dĩ vãng một thiếu niên để người thiếu niên sớm thương nhớ kỷ niệm ấu thời – Vũ và bạn bè đã bơi qua sông, khinh thường sóng cả. Khi người ta biết lo âu là lúc người ta giã từ hẳn hồn nhiên. Tâm hồn đào đã vẩn bụi đen. Bụi đen của phiền muộn.

Con Thúy - Chương 23

23

Cả thị xã bàng hoàng. Giặc Pháp đã đánh chiếm Hà Nội. Như năm ngoái, tiếng súng gây hấn của xâm lăng đã vang sông núi miền Nam, lại vang sông núi miền Bắc năm nay. Những chiếc xe Con Voi của ông Lê Văn Định nằm xếp hàng ở bến Hà Nội không về Thái Bình được. Tài xế và ét đành bỏ xe, chạy bán sống bán chết. Họ thuật chuyện Hà Nội cháy. Lửa bốc cao. Đứng tận Phủ Lý còn thấy lửa rực một phía trời. Dân chúng lũ lượt bồng bế, dắt dìu nhau ùa ra năm cửa ô, tản mạn về các vùng lân cận. Chỉ có thanh niên ở lại chiến đấu, quyết bảo vệ thủ đô. Họ nói giặc Pháp đưa xe tăng, thiết giáp khạc đạn liên hồi, sau bằng những ổ súng liên thanh kháng chiến của ta. Họ làm như tận mắt họ nhìn rõ hai bên giao tranh. Nhưng mọi người tin họ, hối thúc họ kể chuyện Hà Nội cháy. Và họ say sưa kể, giọng đầy phẫn nộ và tin tưởng. Câu chuyện truyền đi rất mau. Nội buổi tối, cả thị xã biết giặc Pháp đang bị phơi xác trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Nỗi bàng hoàng tan biến. Dân Thái Bình hướng về Hà Nội trông chờ tin chiến thắng.

Con Thúy - Chương 24

24

Thế là hết hy vọng giữ Hà Nội. Giặc Pháp đã chiếm gọn thủ đô. Quân ta không kịp tiêu thổ kháng chiến. Tự Vệ Thành bị đánh bật khỏi thành phố kỷ niệm của mình. Dân Hà Nội tưởng chạy giặc năm bữa, nửa tháng sẽ hồi cư. Đành ngước mắt đẫm lệ nhìn Hà Nội trong tay thù rồi tản cư sống đời áo nâu, biệt ly gấm hoa, làm những chuyến phiêu lưu vô định. Giã từ Hà Nội. Theo thác lũ người Hà Nội giao thành phố cho giặc chiếm đống, có kẻ cảm khái hẹn về :

Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hao
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về trở về chiếm lại quê hương


Hà Nội mất, khắp nơi xúc động. Hải Phòng cũng mất luôn. Các chiến sĩ thành Tô tạm biệt dòng sông Cấm. Những thành phố chưa bị giặc kéo tới được lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nam Định rục rịch phá nhà, đốt cháy dinh thự. Những cây cầu quan trọng, những khúc đường rầy bị giật sập, lột lên. Thái Bình còn ở quá xa nên chỉ chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến và chờ đợi chiến đấu tiêu diệt giặc. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu đầy lửa và tin tưởng. Sinh hoạt không có gì thay đổi. Phố xá vẫn buôn bán tấp nập. Trường học vẫn mở cửa. Báo Cứu Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp và cho rằng mất Hà Nội không thể mất Việt Nam. Quân ta sẽ tống cổ giặc Pháp khỏi thủ đô ngày gần đây.

Con Thúy - Chương 25

25

Lại một lớp vôi mới quét khắp tường phố thị xã. Những khẩu hiệu cũ được quên đi. Cách mạng làm cho những bức tường dầy thêm nhờ những lớp vôi mới. Nét chữ của các anh ở phòng thông tin mỗi ngày một đẹp vì viết khẩu hiệu luôn luôn. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu máu lửa này đã bị khẩu hiệu Tản cư là yêu nước đè lên. Tiêu thổ kháng chiến là yêu nước, khẩu hiệu xoáy vào da thịt từng người. Khẩu hiệu gợi đổ vỡ và chia ly. Người Hà Nội, người Hải Phòng lác đác tản cư về Thái Bình. Rồi người Thái Bình tản cư về đâu ? Nỗi buồn không thấy diễn tả trong những khúc hát, câu thơ. Kháng chiến như một viên ngọc đánh bóng rực rỡ, nhưng một phép tích mầu nhiệm. Chung quanh nó được vây kín bởi lớp sương mầu lãng mạn tạo nên những rung động tuyệt vời.

Lúc kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới
Người đi tìm chân trời nơi miền quê
Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu
Quên hết u sầu
Và đoàn người đi miên man trên đường gian nan
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không...

Con Thúy - Chương 26

26

Bắt đầu là cầu Kìm bị giật sập. Cầu Kìm nằm trên đường số 39 từ thị xã xuống phủ Kiến Xương, huyện Tiền Hải. Muốn qua làng Thanh Nê, quê hương cô Trương Quỳnh Như, người yêu mộng tưởng của Tiêu Sơn tráng sĩ Phạm Thái, phải qua cầu Kìm. Cầu Phúc Khánh trên đường số IO, đoạn Tân Đệ - Thái Bình; cầu Nghìn, cầu Đồng Bằng và nhiều cây cầu nhỏ bé không tên, đoạn Thái Bình – Hải Phòng, khuỵu ngã hết chân, nằm bất động như người tê liệt. Mặt cầu đổ nghiêng y hệt cái xác tầu đắm. Xe cộ không thể qua đi.

Đường số IO, chi chít hố chữ chi. Cứ cách vài trăm thước lại có vài chục thước hố, kéo dài mấy chục cây số. Xe tăng, tầu bò của giặc Pháp khó lòng sang Thái Bình. Lệnh tiêu thổ kháng chiến đã ban hành. Thời hạn phá hủy nhà cửa thật ngắn. Quá thời hạn ấn định, nhà nào không chịu tiêu thổ, chính phủ sẽ tiêu thổ giùm. Người ta định giật đổ cầu Bo nhưng gặp sự phản đối mãnh liệt của dân chúng mười hai phủ huyện. Các đại diện về thị xã trình bầy lý do xin chính phủ đừng giật đổ cầu Bo. Nếu giật đổ cầu Bo, nước lũ dồn ứ không thể thoát nhanh ra bể, đê điều sẽ vỡ lung tung.

Monday, September 12, 2011

Hoàng Hải Thủy: Những Người Ðọc Duyên Anh

Tháng 8, 2011, một người bạn tìm được một bài tôi viết về Duyên Anh Thương Sinh năm 1972. Anh gửi bài viết ấy cho tôi. Tôi đã quên không nhớ tôi đã viết về Duyên Anh Thương Sinh từ năm 1972 ở Sài Gòn. Bài viết này đăng trên Tạp Chí Văn Học Số 149, Tháng 6 năm 1972.

Hoàng Hải Thủy

Một ngày mới đây, đúng ra là cách đây một tháng, tôi có dịp nói chuyện với một thiếu phụ duyên dáng ái mộ tiểu thuyết và thích gặp những người viết văn. Những ai quá mê tiểu thuyết thường mê luôn cả người viết những tiểu thuyết làm mình say mê. Họ tưởng tượng ra người viết như những siêu nhân hoặc là người hào hoa phong nhã, tình tứ, căn cứ trên những tác phẩm của nhà văn đó. Theo kinh nghiệm của tôi, thường thì những cuộc tìm gặp giữa người viết và người đọc phụ nữ chẳng đưa các đương sự đi tới đâu, ngoài việc làm cho người đọc thất vọng vì người viết không giống với mẫu người hào hoa mà họ tưởng tượng và người viết bị mất một số thì giờ vô ích.

Tuesday, December 19, 2006

Duyên Anh, anh là ai?

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long như chính ông đã không ngần ngại ký kèm theo bút hiệu của mình. Ông sanh năm 1935 tại Thị xã Thái Bình, nhưng theo lời ông, lại được khai là đẻ ở làng Trường An là quê cha của ông, thuộc huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Chính vùng quê hương Thái Bình này đã xuất hiện phẩm tự thuật...

Vùng quê hương đó đã được dựng lại, đẹp hơn bao giờ hết, trong bộ trường thiên tiểu thuyết mang tên VẺ BUỒN TỈNH LỴ.

Ông đã theo học nhiều trường. Những năm tiểu học, ông không học hết niên học ở một trường nào vì cứ phải đổi trường theo sự xe dịch của cha. Chỉ có năm lớp Ba (Élémentairei), năm 1942, ông mới được học trọn niên khóa ở trường Phụ Dực. Những ngày ở đây đã để lại nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm bàng bạc trong các truyện ngắn đầu tay của ông (Khúc Rẽ Cuộc Đời, Hoa Thiên Lý) trong các tác phẩm tự thuật (Trường Cũ) cũng như trong nhiều tác phẩm viết ở ngôi thứ ba (Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Tuổi Mười Ba...) Nếu mỗi người viết văn đều đã trải qua một đoạn đời hay một kinh nghiệm nền tảng mai đây không ngừng ám ảnh có thể nói rằng thơ ấu sống trong khung cảnh buồn thiu của tỉnh lỵ chính là hình ảnh đậm đà nhất, thân mật nhất của tác phẩm cũng như của tâm hồn Duyên Anh.